Đánh giá Oppo Mirror 5
Thiết kế
Oppo Mirror 5 có thiết kế hoàn toàn “lột xác” so với đàn anh Mirror 3. Cấu trúc thiết kế của chiếc smartphone này gợi nhớ lại chiếc Oppo R1k với phần viền kim loại và với hai mặt kính. Tuy nhiên, mặt sau của Mirror 5 là nhựa bóng, sẽ dễ trầy tuy nhiên cũng giúp cho việc tháo nắp lưng trở nên an toàn, dễ dàng hơn.
Họa tiết kim cương ở mặt lưng chính là điểm nhấn quan trọng nhất về thiết kế của Miror. Theo nhà sản xuất, họa tiết này được tạo nên bởi kỹ thuật dập nổi sử dụng tia UV, giúp tạo nên hiệu ứng "óng ánh" kim cương bắt mắt khi thay đổi góc nhìn. Hiệu ứng này còn sẽ rõ hơn khi cầm máy trong điều kiện ánh sáng phức tạp, ánh sáng yếu và họa tiết này cũng dễ nhìn hơn trên phiên bản màu xanh.
Về thiết kế của Mirror 5 còn thêm một điểm cộng nữa nằm ở phần viền máy được chế tác từ kim loại. Với chất liệu cao cấp này đem lại tính bền chắc hơn cho máy so với nhựa, nhưng lại không bị cắt bởi các đường nhựa mảnh như trên các máy nguyên khối, tạo nên cảm giác liền mạch cho thân máy. Nhìn chung về thiết kế, Oppo Mirror 5 có thể đánh giá vào loại khá.
Màn hình
Trái ngược với phần thiết kế sành điệu, màn hình lại là một bước lùi của Mirror 5, độ phân giải đã bị rút gọn từ HD (720 x 1280 điểm ảnh) xuống còn qHD (540 x 960 điểm ảnh). Với kích thước màn hình 5 inch, màn hình này có mật độ điểm ảnh là 220 ppi, rất thấp và có thể nói là “rỗ” khi dễ dàng nhìn thấy rõ điểm ảnh.
Nhưng nếu nhìn ở một khía cạnh khác, màn hình của Oppo Mirror cho màu sắc hiển thị khá tốt, tươi tắn, rực rỡ và trong trẻo. Do được cân chỉnh tốt, màn hình này không bị hiện tượng ám màu, sai màu. Thêm vào đó, độ nổi của hình ảnh cũng ở mức khá. Góc nhìn của Oppo Mirror 5 cũng là một điểm cộng cho chiếc smartphone tầm trung này. Ngoài ra, việc đưa dàn phím cảm ứng ra ngoài màn hình cũng giúp cho phần diện tích màn hình được tối ưu tốt hơn.
Hiệu năng
Chúng ta không thể đòi hỏi nhiều ở Mirror 5, vì đó là một chiếc smartphone tầm trung. Tuy vậy, hiệu năng của máy lại đem lại nhiều ngạc nhiên khi xử lý rất mượt mà, có lẽ do những cải tiến của nền tảng ColorOS 2.1 được tùy biến từ Android 5.1.1 mang lại. Các hiệu ứng của ColorOS mới được chăm chút khá kỹ lưỡng, đẹp và không kém phần tinh tế so với những giao diện từ các nhà sản xuất khác.
Tuy vậy, điểm trừ của ColorOS là “học hỏi” quá nhiều thứ từ iOS của Apple. Từ giao diện camera, tới hình nền sao trời hay màn hình đa nhiệm, chúng đều là những hình ảnh quen thuộc. Rất có thể do Oppo muốn tận dụng những thứ tốt nhất để xây dựng nên những thứ tốt hơn.
Ngoài phần mềm được tối ưu với ColorOS 2.1, Mirror 5 còn được trang bị bộ xử lý Snapdragon 410 bốn nhân, tốc độ 1,2 GHz trên kiến trúc 64-bit và 2 GB bộ nhớ RAM, chiếc smartphone này không ngán các game có đồ họa trung bình khá, thậm chí cả những game có đồ họa được đánh giá cao.
Camera là một trong những điểm đáng lưu tâm của nhiều khách hàng khi tìm mua smartphone Oppo, và Mirror 5 cũng không là ngoại lệ. Với ColorOS 2.1 mới, Mirror 5 có giao diện chụp ảnh không khác gì iOS, nhưng khi bấm vào biểu tượng bộ lọc ở góc màn hình, những tính năng độc đáo và rất riêng của Oppo như chụp ảnh Ultra HD, chụp ảnh động GIF tới những chế độ quen thuộc trên nhiều smartphone như quay timelapse, chụp chồng ảnh...
Dù dung lượng pin chỉ đạt 2.420 mAh, nhưng thời lượng sử dụng của Mirror 5 có thể coi là khá tốt.
Một tính năng phụ trợ khá thú vị của Mirror là sử dụng như một chiếc điều khiển từ xa. Thông qua kết nối hồng ngoại tích hợp trên đỉnh máy và ứng dụng đi kèm, người dùng có thể thay đổi thiết lập của đủ loại thiết bị gia dụng chỉ với một chiếc smartphone.
Tạm kết
Nhìn chung, Mirror 5 là một lựa chọn tầm trung xứng đáng cho đối tượng người dùng trẻ, cần một chiếc smartphone có thiết kế đẹp nhưng không quá đề cao cấu hình. Tuy vậy, với tầm giá trên 5 triệu, Mirror 5 sẽ gặp phải khá nhiều khó khăn khi phần lớn các sản phẩm đối thủ hiện nay đều đã được trang bị màn hình với độ phân giải HD, khi đây vốn là một trong những ưu tiên khi chọn mua smartphone hiện nay.